Tạ Văn Ngân – Nam 30 tuổi
Em bị sỏi thận trái khoảng 2 năm nhưng trước kia không đau mà từ 06/03/2013 thấy đau âm ỉ, nhất là khi cử động mạnh hay ấn vào vị trí bụng dưới bên trái là thấy đau nhói. Em có đi siêu âm bác sĩ cũng nói sỏi thận trái 6mm. Vậy cho em hỏi cách điều trị bệnh sỏi thận như thế nào ạ. Em xin cảm ơn.
Bác sĩ Lê Sĩ Trung, Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu BV Việt Pháp Hà Nội:
Chào em, sỏi thận chỉ gây đau nếu nhiễm trùng hoặc có giãn đài bể thận. Khi em có đau ở cùng bên với sỏi cần lưu ý đến 2 điều trên. Nếu có nhiễm khuẩn cần được dùng kháng sinh. Sỏi thận 6 mm có chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể.
Vũ Tiến Hưng – Nam 44 tuổi
Năm1986 tôi đã mổ sỏi thận trái (mổ hở) tại BV Bạch mai, năm 2012 siêu âm thận trái hiện tại có nhiều sỏi, viên to nhất khoảng 1,2 cm. Xin hỏi trường hợp của tôi phải điều trị như thế nào? Và bằng phương pháp gì? Hiện tôi đang đóng BHYT tại VNPT Hà Nội. Nếu chữa bệnh nói trên tại bệnhviện Việt – Pháp HN thì có được bảo hiểm không? Tôi xin chân thành cảm ơn.
Bác sĩ Lê Sĩ Trung, Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu BV Việt Pháp Hà Nội:
Chào bạn Tiến Hưng, tôi sẽ trả lời bạn chính xác hơn nếu được xem phim UIV. Tuy nhiên, với một sỏi tái phát sau khi mổ mở và kích thước sỏi 1,2 cm, bạn có 2 lựa chọn là nội soi sỏi thận qua da siêu nhỏ hoặc tán sỏi ngoài cơ thể. Tất cả được quyết định dựa trên UIV. Bảo hiểm của bạn có hiệu lực tại BV Việt – Pháp Hà Nội.
Tổng Biên tập báo Dân trí Phạm Huy Hoàn (đứng giữa) tặng hoa các khách mời tham gia cuộc giao lưu.
Hoa Mai – Nữ 28 tuổi
Em chào bác sĩ. Em mới đi khám tổng quan và phát hiện thận trái đài giữa có sỏi 7mm. em lại đang có bầu nên e phải điều trị như thế nào ạ? xin bác sĩ tư vấn cho em bài thuốc dân gian để e điều trị. em xin cám ơn
Bác sĩ Lê Sĩ Trung, Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu BV Việt Pháp Hà Nội:
Chào bạn, các phương pháp điều trị sỏi đều phải sử dụng tia X – rất có hại cho thai nhi. Bạn có sỏi nhỏ và chưa có biến chứng và chưa cần điều trị ngay. Lý tưởng nhất là sau khi mẹ tròn con vuông thì bạn hãy đến gặp bác sĩ tiết niệu để có kế hoạch điều trị cụ thể cho viên sỏi. Tuy nhiên, nếu xảy ra biến chứng (cơn đau quặn thận do sỏi tụt xuống kẹt ở niệu quản) thì cần được điều trị cấp cứu tại chuyên khoa tiết niệu và có thể phải đặt ống thông niệu quản JJ.

Nguyễn Văn Tùng – Nam 36 tuổi
Tôi bị sỏi thận trái, đi kiểm tra BS nói sỏi to 9mm và dùng thuốc để đẩy ra. Sau 30 ngày dùng thuốc đi kiểm tra lại, BS nói đã xuống 1/3 niệu quản. Cách khoảng 10 ngày tôi bị đau quặn , hỏi thì BS nói do sỏi di chuyển lên đau. BS vẫn tiếp tục cho tôi dùng thuốc để đẩy sỏi ra. Tôi xin hỏi các chuyên gia, phương pháp điều trị đó có đúng không và nếu sỏi xuống bàng quang mà không ra được thì tôi phải làm thế nào? Nếu phương pháp điều trị trên không đúng tôi nên đến nơi nào để thăm khám cho chínhxác? tôi xin chân thành cảm ơn!
Bác sĩ Lê Sĩ Trung, Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu BV Việt Pháp Hà Nội:
Chào bạn Tùng, trường hợp của bạn là trường hợp điển hình khi sỏi thận rơi xuống niệu quản gây tắc, là nguyên nhân thường gặp của cơn đau quặn thận. Với cơn đau quặn thận, trước hết nên sử dụng phương pháp điều trị nội khoa (dùng thuốc). Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể điều trị nội khoa được, đó là những trường hợp kích thước sỏi quá lớn sovới đường kính của niệu quản hoặc có dị dạng về niệu quản. Với trường hợp của bạn, tôi nghĩ kích thước sỏi 9mm lớn hơn so với đường kính niệu quản (khoảng 5mm). Do vậy, nếu điều trị nội khoa sỏi không ra thì nên nội soi sỏi niệu quản để lấy sỏi. Một khi sỏi niệu quản đã rơi xuống bàng quang thì chắc chắn sẽ tự ra theo đường niệu đạo (trừ trường hợp hãn hữunếu có hẹp niệu đạo) vì một lý do đơn giản là đường kính của niệu đạo lớn gấp 5 lần đường kính của niệu quản.
Nguyentungthanh – Nam 37 tuổi
Tôi mổ cắt trĩ và Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh trong khi gây mê cho tôi bằng phương pháp gây tê tủy sống. Hiện nay chân tôi rất đau, đi lại khó khăn, tôi đã điều trị bằng châm cứu nhưng không khỏi. Trong lúc tôi chuẩn bị mổ thì bị những người chuẩn bị gây mê đưa nhầm phòng mổ, khi phát hiện ra họ vội bế tôi về đúng phòng mổ, họ bảo tô cúi lưng xuống để gây tê, nhưng tôi khong cúi xuống được vì tôi bị đau lưng đã lâu nên không cúi được, họ cứ thế châm kim vào gây tê tủy sống cho tôi, tôi không biết có phải do biến chứng nên bị đau bàn chân không. Đề nghị bác sĩ giúp đỡ tôi bây giờ phải làm thế nào
Bác sĩ Jean Claude Mignotte trong buổi giao lưu tại tòa soạn báo điện tử Dân trí
Bác sĩ Jean Claude Mignotte, Khoa gây mê hồi sức BV Việt Pháp Hà Nội:
Để dẫn đến biến chứng bị đau chân thì có rất nhiều điều cần phải tìm hiểu. Một là, để chuẩn bị cho công tác gây tê, họ đã làm các xét nghiệm chưa? Ví dụ như dựa vào các chỉ số đông máu, tiểu cầu…, bác sỹ sẽ quyết định cho phép bệnh nhân được gây tê tủy sống hay không.
Hay việc gây tê tủy sống của bệnh nhân đã được thực hiện cách đây lâu chưa cũng là một yếu tố phải xem xét. Rồi sau khi gây tê xong, ở khu vực gây tê tủy sống có tụ máu hay không?.
Ngoài ra, việc sử dụng thuốc trong quá trình gây tê cũng rất quan trọng có thể gây ra các phản ứng phụ.
Sau khi gây tê, một số người cũng bị phản ứng là viêm màng nhện tại khu vực gây tê tủy sống. Đây cũng là một trong những phản ứng phụ có thể xảy ra. Việc này kéo dài khoảng 2,3 tháng sẽ đỡ dần nếu bệnh nhân được điều trị nội khoa bằng kháng viêm.
Tóm lại, để đánh giá đúng mức độ biến chứng, bệnh nhân cần phải làm điện cơ chân để đánh giá mức độ tổn thương là do từ vấn đề thần kinh, từ gây tê tủy sống, hoặc vấn đề của cột sống, đốt sống hay nguyên nhân khác.

Xem thêm các phương pháp điều trị sỏi thận và sỏi niệu quản:
Lựa chọn kỹ thuật cao tránh mổ mở
Nội soi thận qua da chuẩn thức
Nội soi thận qua da tối thiểu
Nội soi niệu quản
Tán sỏi ngoài cơ thể